Trang

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Kẹo Cu Đơ


Kẹo Cu Đơ - đặc sản Hà Tĩnh



Nếu ở Quảng Ngãi có “kẹo Gương”, ở Huế có "mè xửng", ở Thanh Hóa có “chè Lam”, “bánh Gai”, thì ở Hà Tĩnh, Nghệ An có “kẹo Cu Đơ”. Những thứ kẹo bánh dân dã này đều có nét đặc trưng của vùng gió Lào cát trắng, gian khổ.

Kẹo Cu Đơ nhiều nơi bán nhưng ngon nhất là kẹo được chế biến từ vùng núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) - quê “tổ” của loại kẹo này. Từ hồi đầu kháng chiến chống Pháp - khoảng năm 1949-1950 đến nay - tên gọi Cu Đơ đã thành thương hiệu kẹo được đón nhận một cách vui vẻ, nghe ngồ ngộ nhưng ấn tượng khó quên.


Bàn về nguồn gốc tên gọi KẸO CU ĐƠ



Kẹo Cu Đơ có thể được nấu bằng đường, mật mía hoặc mật mía và mạch nha... Loại nấu bằng mật mía có pha mạch nha là ngon hơn cả. Đậu phộng chọn loại chắc, phải rang cả củ cho giòn rồi bóc tách ra, bột gạo ngon tráng bánh đa vừa phải (không dày cũng không mỏng) có rắc thêm vừng (mè) đen để bao kẹo. Nguyên liệu quan trọng nhất là mật mía nguyên chất, không pha đường. Khi nấu pha thêm một tỷ lệ mạch nha (loại làm từ mầm thóc) vừa phải thì kẹo vừa giòn vừa dẻo lại vừa thơm, không bị bở như loại kẹo nấu bằng đường.

Trước đây người Nghệ Tĩnh nấu kẹo lạc kiểu dân dã đổ lên lá chuối khô thành từng miếng, khi ăn thì bóc theo từng thớ lá. Về sau người ta thay lá chuối bằng giấy bản cho có vẻ "văn minh" hơn. Tuy vậy kẹo lạc lá chuối hay kẹo lạc giấy bản đều có nhược điểm là khi cầm ra tay để ăn thường bị dính, khó chịu.


Thế nhưng tại sao lại có cái tên gọi "Kẹo Cu ĐƠ" có vẻ lai căng làm vậy? Có rất nhiều giả thuyết, nhiều chuyện bàn cãi xung quanh cái tên Cu Đơ đó nhưng vẫn chưa thấy thuyết nào gọi là có ưu thế

Là một người may mắn ở trong cuộc từ ngày cái loại kẹo lạc kẹp giữa hai miếng bánh tráng (bánh đa) được mang cái tên Kẹo Cu Đơ, tôi xin thuật lại một "cố sự" trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng Nghệ - Tĩnh,Liên Khu IV hầu chư vị...

Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân, Văn võ song toàn. Cha đẻ của Trường Thiếu sinh quân Việt Nam .


Hồi kháng chiến chống Pháp, Tướng Nguyễn Sơn, tư lệnh khu IV quyết định thành lập Trường Thiếu sinh quân Liên Khu IV đặt tại Hương Sơn, Hà Tĩnh để chăm sóc cho con em cán bộ chiến sĩ đang chiến đấu tại chiến trường xa, gia đình khó khăn. Miền núi Hương Sơn đón một lớp thiếu niên năng động, nghịch ngợm, hồn nhiên, làm thay đổi cả bộ mặt vùng quê yên ả.

Gần trường có gia đình anh Cu Hai, nhà có nghề làm kẹo lạc lâu đời. ( Anh ta là con thứ hai lại có con trai đầu lòng, theo cách gọi địa phương : người có con trai đầu lòng được gọi là anh Cu, chị Cu, người sinh con gái đầu lòng dược gọi là anh Đĩ, chị Đĩ - không hề có nghĩa xấu - về sau mãi tận cuối thế kỷ 20 nhiều nơi vùng quê Nghệ Tĩnh vẫn còn giữ nguyên cách gọi đó)

Kẹo lạc là sự phối hợp hài hòa giữa mật mía, lạc (đậu phộng), nước gừng, chanh... toàn những thứ dễ kiếm. Nhưng kẹo ngon hay không còn phụ thuộc vào nhiều bí quyết riêng. Một miếng kẹo lạc ngon khi ăn phải giòn nhưng dẻo, hội đủ vị ngọt mát của mật mía- mạch nha, vị béo bùi của đậu phộng, vừng, có vị cay ấm của gừng pha một chút chua nhẹ của chanh...

Kẹo lạc nhà anh Cu Hai có bí quyết gia truyền đạt được hương vị tuyệt vời đó. Nhưng anh Cu Hai còn có một sáng tạo độc đáo, từ đó cái "thương hiệu Kẹo Cu Đơ" ra đời.

Thay vì lót kẹo bằng lá chuối hay giấy bản, anh Cu Hai đã dùng bánh đa ( bánh tráng) mỏng, đổ kẹo lạc lên rồi hai miếng làm một, phía kẹo úp vào nhau: người cầm kẹo không bị dính tay và có thể ăn cả bánh đa. Vị bùi thơm của bánh đa càng làm tăng hương vị kẹo. Từ đó để chỉ loại kẹo lạc lót bánh đa, phân biệt với kẹo lạc lá chuối hay kẹo lạc giấy bản, người ta gọi là kẹo lạc nhà Cu Hai.

Khách hàng hâm mộ nhất của quán nhà anh Cu Hai là đám học trò nghèo "tập sự làm lính" của Trường Thiếu sinh quân. Vì kỷ luật "quân sự" của nhà trường rất nghiêm nên học sinh khi rủ nhau trốn ra quán Cu Hai ăn quà thường nói "tiếng lóng" là : CU DEUX = tiếng Pháp Deux là Hai.

Nên nhớ rằng hồi đó trong chương trình Trung học có môn ngoại ngữ Tiếng Pháp, đặc biệt ở Trường Thiếu sinh quân các chú "lính tập sự" được học Tiếng Pháp với một người Thầy rất giỏi thứ ngôn ngữ này - chuyện này cũng đáng nhắc lại - người Thầy đó vốn dĩ thuộc tầng lớp "đối tượng có tội với chế độ" - Thầy Nguyễn Tiến Lãng - nhưng không hiểu bằng cách nào Tướng Nguyễn Sơn đã thuyết phục và đưa được Thầy về trường và đã giảng dạy rất tốt cho học sinh!

Tên gọi kẹo Cu Deux - Kẹo Cu Đơ theo chân những người lính tỏa khắp khu IV, vào phân khu Bình Trị Thiên, ra Khu III, lên Việt Bắc ...tạo thành một thương hiệu nổi tiếng tòan quốc - Kẹo Cu Đơ.
.

Và ngày nay khi giao lưu quốc tế hội nhập toàn cầu, cái thương hiệu Cu Đơ còn lan rộng khắp đất Mỹ trời Âu...nghĩa là khắp mọi nơi có dấu chân người Việt!
Người ta ăn kẹo Cu Đơ thường uống kèm nước chè xanh (Chè xanh xứ Nghệ - loại nấu bằng lá chè tươi) vào những ngày se lạnh thì tuyệt vô cùng. Vị béo, ngọt, cay cứ dìu dịu tỏa lan nơi đầu lưỡi truyền hơi ấm vào cơ thể ta, tạo cảm giác ấm áp khó quên.
Khách qua Hà Tĩnh- Nghệ An nơi “đồng chua nước mặn” nhưng ai cũng thương, cũng nhớ, ai cũng mua vài bọc kẹo Cu Đơ về làm quà cho người thân, bè bạn, vừa ngon lại vừa rẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét