Trang

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Danh vị PHỞ SƯ

Bài chuyển từ blog.yahoo.com

DANH VỊ PHỞ SƯ (Kỳ 1)

Lời nói trước: Đây là một câu chuyện bịa đặt hoàn toàn ngẫu hứng, mọi điều nhắc đến đều chỉ là theo trí tưởng tượng của tác giả, nếu có tình tiết nào trùng với người thật và việc thật thì đấy chỉ là hoàn toàn ngẫu nhiên ngoài dụng ý tác giả!

Việt Nam là một đất nước nghìn năm văn hiến, trong thời buổi HỘI NHẬP TOÀN CẦU này tiếng thơm của nhiều địa danh, nhiều sản vật địa phương đã bay xa trên toàn thế giới!
Cảnh quan thì có Vịnh Hạ Long, động Phong Nha Kẻ Bàng… đỉnh đỉnh hàng đầu thế giới; sản vật thì có cà phê Buôn Mê Thuật, yến sào Phú Khánh… nổi tiếng khắp nơi, gốm sứ Bát Tràng, lụa hàng Hà Đông… ngày càng được vinh danh hết Festival nọ đến Hội chợ kia…Rồi thì những "kỷ lục Ghi-nét quái thai" như cốc cà phê hàng mét khối, tà áo dài hàng trăm mét, bánh chưng bánh dầy độn xốp, v..v.. cũng góp phần đưa danh và...tiếng (tai tiếng?) của Việt Nam ra khắp toàn cầu.

Phơ..ơ..ở!
Thế nhưng nổi nhất, vang danh nhất không những trên cả nước mà còn cả toàn cầu, ở mọi nơi có cộng đồng người Việt – và kể cả nhiều nơi không có “người Việt thứ thiệt” - cư trú, là chắc chắn có thứ đó: PHỞ!

Thật đấy: ở Paris 13ème, Little Saigon ở Cali , Cabramata ở Sydney... đầy hàng Phở là chuyện hiển nhiên.

Nhưng có lần tôi lang thang đến Greenwich xa tít ngoại ô London cũng thấy món Phở trong menu của một quán ăn có tên: Saigonese Restaurant. Mừng quá tôi cất giọng gọi: - "Có phở bò tái chín gì không?" – Cô phục vụ - rõ ràng người Châu Á - ngẩn người đáp lại tôi bằng một nụ cười thường trực. Sau đấy Ông chủ quán tươi cười bước ra giải thích bằng một thứ tiếng Anh Chinglish rằng - "Ngộ mậu xếch coỏng Duỵt- Nồm- và" (Tôi không viết nói tiếng Việt Nam)- thì ra họ là Hoa Kiều Chợ Lớn sang đây đã lâu, không ai biết tiếng Việt đâu, thấy món Phở không đụng hàng với ai nên trương biển hiệu mà thu hút du khách vậy thôi!

Xa xôi heo hút hơn nữa, còn nhớ năm nào trên sườn đồi cheo leo của thủ đô Antananarivo cổ kính của xứ Madagascar cũng thấy có cái quán: Restaurant Tonkinois - Spécialité: PHO - Soupe Hanoiyenne. Mừng quá, bước vào những mong nghe tiếng nói quê hương nhưng từ chủ quán đến nhân viên đều chỉ nói tiếng Pháp và tiếng Malagasi: Chủ quán là con của một trong những Cụ “pháo thủ khố đỏ Bắc kỳ” - Tirailleurs tonkinois – kẹt lại ở hòn đảo đẹp đẽ ấy từ năm 1944 -45, hồi cuối thế chiến thứ hai.

What the Phở?
Đến Việt Nam, nhất định là phải nói đến phở: Hà Nội có Phở gia truyền Nam Định, Sài gòn thì lại có Phở Hà Nội gốc, đến có cái anh ngoại lai ở đẩu ở đâu về cũng franchising cái mác : Phở 24!
Hàng phở ở Việt Nam nhiều đến nỗi năm xưa có lần một Bà bạn người Úc Melbourne chính cống sang đây làm việc mấy tuần, cùng tôi rong ruổi trên các quốc lộ về địa phương nhiều lần, bỗng một hôm Bà ta nói với tôi: "Này Ông, tôi không học cũng biết được một từ Việt Nam rất quan trọng và cần thiết cho du khách ngoại quốc đến Việt Nam đấy" - "Từ gì vậy???" - "Thì là từ COM PHO đó! Tiếng Việt Nam COM PHO nghĩa là restaurant, đúng không?" Té ra là Bà ta ngồi trên ô tô đi dọc các quốc lộ thấy rất nhiều biển đề COM PHO và mỗi lần chúng tôi ghé vào ăn uống dọc đường đều vào các quán có biển đó: Vậy đích thị COM PHO là quán ăn - restaurant - còn gì!

Phở thật là quan trọng, đúng là biểu tượng Việt Nam ! Có thể nói trên thế giới người ta biết đến Phở rất nhiều chứ mấy ai biết đến Truyện Kiều! (Mà ông bạn xấu tính vĩ đại của chúng ta lại còn cho Truyện Kiều là “hàng đạo” của họ, nhất thiết không công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa UNESCO, chứ còn như Phở… thì họ đành cúi đầu công nhận, chưa thấy có chuyện đăng ký bảo vệ thương hiệu Phở Koỏng-tống hay là Phở Hốc-kín gì cả

Nhân tài là nguyên khí quốc gia” – lời người xưa nói cấm sai! Phở đã có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế như vậy, tại sao lại không “vinh danh” những “nhà hàng phở tài ba” cho nó xứng đáng?

Chắc là nhận thức được tầm quan trọng đó cho nên mới đây Nhà nước ta chủ trương định ra một chức danh cao quý cho ngành phở: Chức danh PHỞ SƯ PHÓ PHỞ SƯ.

Năm 2020 nhân dịp Lễ hội 1010 năm Thăng Long, tổ chức Hội đồng cấp quốc gia phong tặng danh hiệu đợt 1. Vì đấy là một danh hiệu cao quý, người được phong phải đạt được nhiều tiêu chí rất cao nên trong đợt một chỉ phong được có mấy Phở sư như các Phở sư Tư Lùn, Phở sư Thìn Bờ Hồ, Phở sư Bát Đàn… mấy vị gia truyền Nam Định, phở Pasteur Sài gòn, Nam Ngư, Tạm Thương …chỉ đạt tiêu chuẩn Phó Phở sư cũng đã là một niềm vinh dự to lớn. Tất nhiên là từ đó về sau các PS và PPS đều ngay lập tức in danh thiếp:
Phó Phở sư Trần thị Y, Chủ quán Phở gia truyền
Phở sư Nguyễn Văn X, bếp trưởng Nhà hàng ABC…

Chủ trương đúng đắn của Nhà nước được mọi người dân nhiệt liệt hoan nghênh: Người được phong thì hãnh diện, tự hào, ra sức làm việc phục vụ khách hàng sao cho khỏi phụ kỳ vọng của Nhà nước và nhân dân, người chưa được phong thì phấn đấu học hỏi nghiên cứu chế biến nâng cao ngành Phở mong đến đợt sau được xét. Người dân – khách hàng – cũng rất tin tưởng và quý trọng các vị Phở sư, Phó phở sư; quán nào có một vị PS hay PPS chủ trì thì ngày đêm khách đông nườm nượp đuổi đi không hết. (Cho nên Hà Nội mới có tiếng là có những hàng PHỞ QUÁT, PHỞ ĐUỔI vậy).

Xem tiếp Kỳ 2

Danh vị Phở sư - Kỳ II

Nov 20, 2012 11:58

DANH VỊ PHỞ SƯ (Kỳ II)

Thời gian thấm thoắt như bóng câu qua cửa sổ…mới đó mà đã được 3 kỳ phong danh hiệu Phở sư, Phó Phở sư kể từ lần phong đầu tiên hồi kỷ niệm 1010 năm Thăng Long. Trong xã hội bắt đầu quen với một thứ tiếp đầu ngữ - préfixe - nghe có vẻ cao quý trang trọng nhưng lại thân thương đáng mến và đáng tin cậy hơn nhiều lần so với những từ đi trước tên họ xưa nay thường gặp trong xã hội như : Đòng chí Chủ tịch X, đồng chí Bí thư Y, đồng chí Cục trưởng Z, đồng chí Giám đốc T v..v..
- Xin trân trọng giới thiệu Phở sư, Tổng giám đốc U,,, vỗ tay rào rào,… những ánh mắt thán phục…
Phở Thìn

Mười năm qua, một số Phở sư có kinh nghiệm và có trình độ quản lý chuyển sang làm phụ trách những Cửa hàng Phở, những Tổng quán phở lớn nổi tiếng, đã chứng tỏ việc quản lý Hàng phở của những người có trình độ và năng lực trong chuyên môn phở khác hẳn với một số “nhà” quản lý trước đây chỉ nặng về hô hào “Phấn đấu, Tiến lên!” mà có biết gì về nghề nấu phở!

Và khi đó bắt đầu xuất hiện một số danh thiếp:
Giám đốc, Phở sư Lê văn T
Cục trưởng, Phó Phở sư Hồ thị Z

Các vị lãnh đạo mà danh thiếp có thêm chút PS, PPS thì được cấp dưới, kể cả các ông, bà, anh chị có mác PS, PPS tôn trọng hơn nhiều, không dám xấc xược coi mình là kẻ chức to quyền lớn nhưng trình độ hơi lùn … cấp ngang và cấp trên cũng có bề nể nang.

Cái danh hiệu PS, PPS tưởng chỉ là một sự ghi nhận, đánh giá trình độ về một ngành nghề trong xã hội mà thôi, nay trở thành một loại hàng quý hiếm, một thứ trang sức khó kiếm!
Theo dòng thời gian, càng ngày cái danh hiệu tưởng như chỉ có tính chất tinh thần đó lại thể hiện thêm những giá trị vật chất cực kỳ quan trọng.
Thứ nhất: Phàm bất cứ ngành nghề gì – tất nhiên có vài ngoại lệ trên chốn cao, cao lắm – thì cũng đến tuổi về hưu. Với anh nhân viên quèn thì nam 60 tuổi nữ 55 được về hưu là chuyện may mắn vì thực ra lúc đó còn sức khỏe, quỹ thời gian còn kha khá nên có thể tạo dựng một “sự nghiệp” cuối đời nào đó. Anh/chị tháo vát, có đồng vốn còm, có tí quan hệ thì mở kinh doanh nhỏ, thu nhập có khi còn hơn thuở đi làm 3 cọc 3 đồng. Mấy ông/bà nhà giáo mát tay thì lúc về hưu mới là lúc phát huy công sức cực đại, trong thời buổi nhà trường là thị trường này thực là chối đi không hết việc! Ông/bà nào kinh tế rủng rỉnh, con cái thành thân rồi, ung dung không âu lo kinh tế thì ở tuổi đó vẫn còn sức khỏe mà tham gia kính thưa các kiếu câu lạc bộ bù khú: đánh cờ, chơi cảnh, câu cá v..v..

Phở Bát Đàn

Thế nhưng với các vị có chức có quyền (hệ quả là có lộc, có tiền) thì về hưu sớm là một tai họa quá lớn, nấn ná được ngày nào là hưởng thêm, kiếm thêm ngày ấy. Vì vậy rất rất nhiều vị đến lúc sắp về hưu thì mới thấy có vấn đề lý lịch cần xác minh tuổi tác tụt đi tụt lại đâm ra nhiều trường hợp trong lý lịch Ông anh bà chị lại sinh sau em út đến dăm ba năm là chuyện thường!
Vậy mà Nhà nước lại có chủ trương rõ ràng là những người có danh vị PS, PPS thì đương nhiên được – hay bị - kéo dài tuổi cống hiến dăm ba năm: chuyện này với các vị có chức có quyền quả là quá hay ho.

Thứ hai: Trong thời buổi xã hội hóa ăn uống này, các nhà hàng, quán phở tư nhân mọc ra như nấm (nghe đâu dưới 4 năm chấp chính của một ngài Tổng trưởng Bộ Ăn uống, chỉ trong 3 năm mà số cửa hàng Cao đẳng Phở và Đại hiệu Phở dân lập và tư thục trong cả nước tăng gấp 10 lần hàng mấy chục năm trước đó).

Mở hàng ăn tất nhiên phải có vốn, có quan hệ: cái này các quan không thiếu. Thế nhưng phải có một cái Hội đồng sáng lập rồi Hội đồng Ăn uống học v..v.. cái này nhất thiết phải tìm được một số người có danh hiệu cao như Phở sư, Phó Phở sư đưa vào thì mới có trọng lượng!

Danh vị PS, PPS có giá trị "qui ra thóc" là như vậy đó!
Đón xem kỳ 3 - Phần kết

Danh vị Phở sư - Kỳ III
Nov 20, 2012 10:05
DANH VỊ PHỞ SƯ (Kỳ III)

Vậy là danh hiệu PS, PPS đã thực sự thể hiện giá trị vật chất cụ thể trong xã hội (nghĩa là qui được ra hào). Nhu cầu “kiếm được” cái mác PS, PPS ngày càng tăng.

Theo nguyên lý của kinh tế thị trường, phàm có cầu thì ắt có cung, danh hiệu PS, PPS đã trở thành một mặt hàng có giá thì tất nhiên có nhu cầu rộng rãi, và đã có nhu cầu thì ắt có những người, những tổ chức, những tập đoàn, bí mật hoặc bán công khai, đẩy mạnh nghiên cứu tạo ra những phương án nhanh chóng rút ngắn qui trình sản xuất những mặt hàng đó.

Theo qui định Nhà nước, muốn đạt danh hiệu PS, PPS có những tiêu chí “cứng” và những tiêu chí “mềm”.
Một Phở sư chân chính hiếm hoi...

Tiêu chí mềm là việc bỏ phiếu, đồng thuận ở các cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở, cấp ngành và cấp Nhà nước. “Không có việc gì khó!” Người Tầu xưa có câu tục ngữ: Nhiều tiền thì có thể sai quỷ kéo cối xay! Các tổ chức, tập đoàn không những có tiền lại có siêu quyền lực thì không phải chỉ có quỷ mà đến thần thánh phật tiên cũng sai khiến được huống chi là các Hội đồng. Ủy viên Hội đồng thì cũng là con người mà đã là người thì ai cũng có thất tình lục dục, mà dù cho có vài gã ủy viên “dở hơi” nào đó đi ngược lại với cơ chế thị trường – nghĩa là cơ chế mua bán trao đổi – thì các gã ấy cũng có vợ con, anh chị em v..v.. vưỡn là con người thực tế như bao người khác. Cuối cùng, nếu không thể điều khiển được họ thì … quá đơn giản: vô hiệu hóa bằng cách…đưa họ ra khỏi danh sách ủy viên Hội đồng, bằng cách điều động họ sang một vị trí long trọng ngồi chơi xơi nước… Hoặc cũng có thể dễ dàng chuyển các ứng viên đương sự sang những Hội đồng “thích hợp” mới thành lập khác! Trong những năm gần đây có nhiều vụ việc các quan nào đó phải chọn “gửi” vào những Hội đồng thích hợp để bỏ phiếu xét duyệt, chọn được Hội đồng toàn “chiến hữu” thì mọi việc đều là chuyện muỗi. Lại có chuyện, có quan không thấy được cửa nào trơn tru, nhân lúc mới về một nhà hàng mới nào đó liền ra sức lobby để Nhà hàng của mình được quyền thành lập Hội đồng cấp cơ sở và thế là tất nhiên thành phần Hội đồng đó toàn do mình mời trình lên cấp trên duyệt: cửa ấy mà còn lo gì chui không lọt?
San sát các Đại hiệu Phở dân lập thời mở cửa...

Bây giờ mới nói đến các tiêu chí cứng. Không hiểu đứa phải gió nào, nghĩ thế nào mà lại đưa là những tiêu chí thật là khó chịu như thế?
Tiêu chí đầu tiên là trình độ ngoại ngữ. Nhận thức rằng Ăn uống học cần được phát huy giao lưu quốc tế nên nhất thiết PS, PPS phải có vài ba ngoại ngữ đạt trình độ B (hạng B là cao hơn hạng A chứ không phải viết tắt chữ hạng BÉT đâu) hoặc trình độ C (cấm nghĩ tục C…!). Đến nỗi năm nảo năm nào đó báo chí đăng là có “nhà ăn uống học” vào diện ứng viên xét PS, PPS đã văng ra: “Mẹ kiếp! Xét danh hiệu PS, PPS mà bắt phải Ai- eo với lại Top- pheo thì bằng đánh đố con nhà người ta. Mà hãy chống mắt lên mà xem: bên Mỹ, bên Tây nó phong Xúp-sư có yêu cầu biết tiếng Việt tiếng Tầu đâu?”. Nhưng tiêu chí này rồi cũng nhanh chóng được giải quyết êm đẹp: Có cái “trình độ” ngoại ngữ thì quá khó chứ có cái “Chứng chỉ ngoại ngữ B, C, D, …Z” của Bộ Học cấp thì chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ! (Chính vì thế mà về sau có những vị PS, PPS khi giao tiếp với khách hàng quốc tế thường bị sái cổ sái tay vì phải sử dụng ngôn ngữ hình thể quá nhiều!)

Tiêu chí thứ hai là: Muốn dự xét danh hiệu PS, PPS phải có số giờ nấu bếp phở thực tế là 120 tiết, 240 tiết gì đấy. Cái này đối với dân hàng phở chính cống thì là chuyên buồn cười, vô nghĩa, nhưng đối với một vị Giám đốc Công ty ăn uống, Cục trưởng, Tổng trưởng…thì lại là chuyện khá khó! Nhưng cái khó ló cái khôn: Mấy năm gần đây người ta thấy rất nhiều quan Giám, quan Cục, quan Tổng thường về thăm các hàng phở, tập hợp nhân viên nói vài câu, xuống bếp dòm nom nồi nước phở một lúc và trước khi ra về có thư ký đến đưa cho Chủ cửa hàng một Giấy chứng nhận đã “trực tiếp tham gia nấu phở 5 tiết, 10 tiết …”: Bố chủ cửa hàng nào lại dám không ký? Mà có ký thì cũng mất gì của Bọ? Vậy là tiêu chí này cũng nhanh gọn được giải quyết!

Tiêu chí thứ ba thì có phức tạp hơn: đấy là xét “công trình nghiên cứu về Phở học”. Để giải quyết tiêu chí này phải có thời gian đầu tư lâu dài, không phải chỉ một sớm một chiều. Băng mọi con đường thông thường mà ai cũng biết, với cương vị của các Quan hoặc với tài sản kếch sù của đại gia thì chỉ cần chạy đến Ông/Bà nào có chức có quyền, đề xuất một số đề tài cấp Nhà nước, cấp Tổng… rồi ghi tên ứng viên là Chủ trì, kéo những tay hàng phở chính cống thực hiện đề tài ghi vào danh sách tham gia: thế là có đề tài, có bài đăng "Tạp chí Phở học", có cái để tính điểm. Các Đại hiệu Phở, các Phở viện cấp tập cho ra lò những Hiền sĩ Phở học với hàng loạt đề tài nghiên cứu sâu sắc đại loại như:

- Giải pháp hâm phở cho bếp tập thể
- Nghiên cứu về tác dụng của nước hầm xương đối với Sự phát triển xã hội ở Thế kỷ 22
- Nghiên cứu về phooc-môn trong bánh phở v..v..
Thời gian cứ thế trôi qua, sự nghiệp Phở ngày càng phát đạt, đến quãng năm 2030 thì theo thống kê, số PS, PPS trong cả nước đã lên đến trên 9000 vị, xem ra số PPS, PS của Đại Việt ta đứng đầu A-xi-an, cao hơn hẳn số người có chức vụ tương đương như : "Cà-ri-sư, Tôm-yum-sư, Xúp sư" ở Thái Lan, Phi-lip-pin, In-đô- nê-xi-a nhiều! Các nước bé con con như Singapo, Malai, Bru-nây không thèm so sánh, còn lại Lào, Căm-pu-chia, Miến Điện thì quên đi!

Thật là quang cảnh: Ra ngõ gặp PS, bật Ti vi thấy PS.

Những danh thiếp ngày càng dài thêm:
Phở sư, Hiền sĩ phở học, Hàng phở nhân dân – Tổng giám đốc Lê Văn X
Phó Phở sư, Hiền sĩ phở học, Hàng phở ưu tú, Cục trưởng Bùi thị Y

Mà rồi trong các lực lượng vũ trang cũng có ăn uống, cũng có nấu phở chứ!…Lại xuất hiện những danh thiếp dài hơn nữa:
Phó Phở sư, Hiền sĩ phở học, Hàng phở ưu tú,
Thiếu tướng Cục trưởng Trần Văn Z…

Gần đây, có người tẩn mẩn, thống kê số PS, PPS hiện đang làm việc ở MỌI hàng phở trong cả nước (kể cả những PS, PPS là Cửa hàng trưởng, Bí thư Cửa hàng chứ không nấu phở - và có thể cũng không biết nấu phở -) thì chỉ có hơn 2000.

Quái lạ! Số còn lại gần 75% chẳng hay còn nấu phở NƠI NEO? Hay là chảy máu chất...béo sang Mỹ sang Tây cả rồi?

Vì vậy mới có mục Rao vặt:
Tìm PS, PPS lạc! Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét