Trang

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

NOEL! NOEL!

NGUỒN GỐC LỄ NOËL – LẾ NOËL QUA CÁC THỜI ĐẠI

1. NGUỒN GỐC NGÀY LỄ NOËL :
Tại thành phố Roma – Ý đã có một buổi lễ được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 từ một thế kỷ trước kỷ nguyên thiên chúa . Người dân La Mã làm lễ tôn thờ Mirthra, gốc Ba Tư, được mang vào Roma bởi những người lê dương La Mã. Mirthra là vị thần ánh sáng của người Ba Tư . Lễ vào ngày 25 tháng 12 là ngày điểm chí của mùa đông, sự ra đời của Mirthra tượng trưng cho sự bất bại của mặt trời (Dies natalis solis invicti). Trong buổi lễ người ta cúng thần bằng một con bò rừng nhỏ.

Năm 274, hoàng đế La Mã Aurélien tuyên bố việc tôn thờ thần Mirthra là quốc giáo và lấy ngày 25 tháng 12 để cử hành lễ.
Lễ Noël chưa xuất hiện vào thời kỳ đầu của đạo Thiên Chúa. Chỉ từ vào thế kỷ thứ II sau nhiều lần tìm tòi để có thể lấy một ngày nào đó trong năm làm ngày ra đời của Chúa Jésus vì không tìm thấy một dấu vết nào đề cập đến việc này trong các sách Phúc Âm. Nhiều ngày, tháng đã được đề nghị như ngày 6 tháng Giêng, ngày 25 tháng 3, ngày 10 tháng Tư…nhưng vẫn không dẫn đến một quyết định dứt khoát nào.
Tại La Mã, giáo hội Thiên Chúa đã chọn ngày 25 tháng 12 làm ngày sinh của Chúa Jésus chắc chắn không hẳn không có hậu ý đối với buổi lễ cổ truyền tại đây : lễ kỷ niệm ngày sinh của thần “tà giáo” Mirthra. Vào những năm 330 hay 354, hoàng đế La Mã Constantin quyết định lấy ngày Noël là ngày 25 tháng 12.
Năm 354, Giáo hoàng Libère ấn định cử hành lễ vào ngày 25 tháng 12. Ngày này đã có một giá trị tượng trưng vì theo Malachie 3/19 và Luc 1/78 người ta xem như sự hiện diện của chú Cứu Thế như một sự mở màn cho “mặt trời của công lý”. Như thế buổi lễ Noël cũng là ngày sinh của Jésus mặt trời công lý.
Buổi lễ vào ngày 25 tháng 12 dần dần phát triển về phương Đông và vùng Gaule (Pháp ngày xưa) : vào năm 379 tại Constantinople, đầu thế kỷ thứ V tại đất Gaule, trong thế kỷ thứ V tại Jérusalem và vào cuối thế kỷ thứ V tại Ai Cập. Các giáo hội Đông phương vào thế kỷ thứ IV cũng cử hành lễ dười nhiều hình thức khác nhau vào ngày 6 tháng Giêng để biểu dương cho Thượng đế.

2. LỊCH SỬ NGÀY NOËL ĐẾN CUỐI THỜI TRUNG ĐẠI
Hoàng đế La Mã Théodore vào năm 425 đã nguyên tắc hoá những nghi lễ cho Noël . Buồl lễ vào ngày 25 tháng 12 đã trở nên đặc biệt dành cho những người theo Thiên Chúa giáo. Clovis được rửa tôi vào đêm Noël năm 496. Năm 506, hội nghị giám mục Agle đã ấn định ngày lệ này như một nghĩa vụ phải có. Năm 529, hoàng đế La Mã Justinien đã ban hàng chỉ thị là ngày nghỉ được trả lương.
Buổi lễ nhà thờ vào nửa đêm được cử hành từ thế kỷ thứ V dưới triều đại của giáo hoàng Grégoire Le Grand. Vào thế kỷ thứ VII, một tục lệ đã được ấn định tại La Mã để cử hành 3 buổi lễ : lễ trọng vào chiều ngày 24 tháng 12, lễ vào buổi sáng và ngày 25 tháng 12 tại các nhà thờ. Ngày lễ Noël được lan tràn khắp Âu châu : Thế kỷ thứ V tại Ailenn thế kỷ thứ VII tại Anh quốc, thứ VIII tại Đức, thử IX tại các quốc gia vùng Bắc Âu , thứ IX và X tại các quốc gia vùng Xla-vơ.
Kể từ thế kỷ thứ XII, nghi thức tôn giáo được cho kèm thêm những “thảm kịch” lễ bái, những “bí mật” được dàn dựng cảnh tôn thờ của những mục đồng hoặc đám rước những vị đạo sĩ ba tư (mage). Những “thảm kịch lễ bái ” này được trình diễn đầu tiên trong ngay nhà thờ rồi sau đó được đem ra sân trước nhà thờ.


3. LỄ NOËL TỪ THỜI PHỤC HƯNG
Những màng cỏ xuất hiện trong nhà thờ tại Ý đại lợi từ thế kỷ thứ XV và cây Noël tại Đức vào thế kỷ thứ XVI. Sau đó được lan đến các gia cư vùng Na-pô-li rồi các vùng miền Nam nước Pháp từ thế kỷ thứ XVII.
Trong thời kỳ phục hưng vào năm 1560, những người Tin Lành chống đối với sự hiện diện của máng cỏ và họ ưa chuộng phong tục cây Noël hơn. Cùng với sự đối kháng trong giai đoạn phục hưng vào thế kỷ thứ XVII, những trình diễn “thảm kịch lễ bái” đã bị cấm chỉ vì trở thành quá “phàm tục” một cách quá đáng.
Ngày nay, lễ Noël đã trở thành một buổi lễ dành cho trẻ em và gia đình.

4. Ý NGHĨA CỦA NGÀY NOËL

Ngoài ý nghĩa theo đạo Thiên Chuá, Noël là một ngày lễ gia đình, một ngày đặc quyền để tụ tập quây quần mọi người, mọi thế hệ trong gia đình. Lễ này dưới mọi hình thức được biểu lộ, tạo những kỷ niệm chung và duy trì tình cảm giữa mọi người trong gia đình. Mỗi người tìm được, bằng cách thức riêng của mình, để tạo dựng mối liên hệ : chia sẻ với nhau một bữa ăn chung, một đêm không ngủ, nghe thuật lại một câu chuyện, quây quần bên cạnh cây sa pin Noël… Với địa vị ngày càng lớn lao của trẻ con trong gia đình, ngày Noël trở thành một buổi lễ của trẻ em : một đêm thần diệu mà hầu như tất cả mọi ước nguyện trẻ con được thành sự thật trong sự sung sướng của những người lớn.
Ngày Noël cũng là một thông điệp của hoà bình : ” Vinh danh Thượng Đế trên cao – Bình an cho người dưới thế ” : đây là câu được hát bởi những thiên thần báo tin sự xuất hiện của vị cứu thế và Noël cũng là ngày người ta chia sẻ với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh hoạn, già yếu…

CÂY SAPIN NOËL


Cây Noel tập hợp rất nhiều biểu tượng chỉ về sự phong phú mà thiên nhiên đã cho chúng ta : ánh sáng, thiên thần, trái cây, đồng nội, rừng rậm và đại dương. Ngôi sao chói sáng chiếu trên chóp ngọn báo hiệu chấm dứt chuyến du hành, nơi náu ẩn cuả sự thanh bình.
Người Xen-tơ (Celte) cho rằng ngày 24 tháng 12 là ngày phục hưng của mặt trời. Họ có phong tục kết hợp vào mỗi tháng âm lịch một loại cây, vào thời đó, cây văn sâm (épicéa) được họ tặng cho là cây của sự sinh sản.
Vào thế kỷ thứ 11, người ta trình bầy những cảnh tượng được gọi là huyền bí, trong đó có Thiên đàng rất phổ thông suốt thời kỳ Adventus (tiếng la tanh) – “sự đến” – kéo dài 4 tuần lễ từ 11 tháng 11 đến 6 tháng 1 những nghi thức tôn giáo sửa soạn cho Noel . Được treo thêm vào những trái táo, lúc đó cây sa pin biểu tượng cho cây thiên đường. Trong thế kỷ thứ 15, vào ngày 24 tháng 12 những người tin đạo bắt đầu đem cây sa pin đặt trong nhà , ngày lễ của ông Adam và bà EVe ( thủy tổ loài người theo thánh kinh của đạo thiên chúa ).
Vào năm 1512 cây sa – panh (sapin) hay còn gọi là cây Noel hoặc cây của Chúa được nêu lên lần đầu tiên tại vùng Alsace – miền đông nước Pháp, giáp biên giới với nước Đức. Vào thời kỳ này còn lưu lại những tài liệu chứng thực một lễ được cử hành vào ngày 24 tháng 12.
Người ta nói đến việc trang hoàng những ngôi nhà với những cành cây đã được chặt 3 ngày trước đó.
Một số tài liệu còn lưu lại cũng chứng nhận có một buổi lễ được tổ chức vào ngày 24 tháng 12 năm 1510 tại Riga ở Lettonie với những thương gia nhẩy múa quanh một cây có trang hoàng những bông hồng nhân tạo trước khi đốt cháy cây này. Năm 1546, người ta đề cập một cách nghiêm chỉnh đến cây Noel khi thành phố Sélestat tại vùng Alsace cho phép dân chúng được chặt những cây xanh cho mùa Noël vào đêm Saint Thomas (thánh Tô-ma), 21 tháng 12.
Tượng trưng cho sự tinh khiết, những bông hồng được xử dụng trong những thứ trang trí cây sa pin tại Alsace vào thế kỷ thứ 16 cũng như bánh, kẹo là những món vật tế. Những trái táo cũng là một giá trị tượng trưng vì theo lịch cũ của các thánh thì ngày 24 tháng 12 dành riêng cho Adam và Eva, được phong thánh bởi những giáo hội phương đông.
Vào lúc này, giáo hội La Mã coi cây Noël như là một việc làm của những “kẻ tà giáo” việc này kéo dài cho đến giữa thế kỷ thứ 20 vì lẽ trước khi xuất hiện lễ Noël đã có một nghi thức “tà giáo” trong những buổi lễ điểm chí mùa đông : người ta trang hoàng một cái cây, tượng trưng cho sự sống, với những trái cây, bông hoa và lúa mì. Sau đó, người ta treo lên đỉnh cây một ngôi sao, tượng trưng cho ngôi sao Bethléem hướng dẫn những vua Mages . Kể từ đó cây Noël chinh phục dần dần những cộng đồng theo đạo Tin Lành Đức ở phía Bắc và những thành phố lớn và đã chiếm ngự một vị trí trong 2 giáo hội – La Mã và Tin Lành. Một bức tranh khắc vào năm 1806 về một cây sa pin được trang hoàng với những nhân vật tý hon, những thú vật, chim và bánh cắt phần.
Năm 1560, vào thời kỳ Reforme (cải cách), những người Tin Lành từ chối tượng trưng sự Giáng Sinh bằng một nhà bè (crèche)- máng cỏ – giống như người theo đạo Thiên chúa La Mã. Họ phát huy truyền thống cay sa pin như một tượng trưng cho thiên đàng của ông Adam, bà Eve và sự nhận thức về điều tốt, điều xấu. Phong tục cây sa pin Noël đã từ đó lan tràn khắp các nước Âu Châu Tin Lành, Đức và vùng Bắc Âu.
Tại Pháp , cây Noel được đem vào lâu đài Versailles năm 1738 bởi Marie Leszcynska,gốc Ba Lan, vợ vua Louis XV . Sau đó vào năm 1837, công chúa Hélène de Mecklembourg người gốc Đức, sau khi thành hôn với công tước d’Orléans đã trưng cây sapin tại điện Tuileries.
Tục lệ cây Noël được phổ biến rộng khắp các nước kể từ sau cuộc chiến năm 1870. Những người dân di cư gốc Alsace-Lorraine là những người đóng góp một phần không nhỏ trong việc “quảng bá ” tục lệ này tại Pháp: “Hễ nơi nào có một gia đình người gốc Alsace – Lorraine là nơi đó có cây sa pin “. Vào cuối thế kỷ thứ 19 toàn nước Pháp đã chấp nhận tục lệ cây Noël.
Vào thế kỷ thứ 18, tục lệ trang hoàng cây sa pin đã được phổ biến rộng rãi tại các quốc gia Đức, Pháp và Áo .
Năm 1841, hoàng tử Albert (gốc Đức), lấy nữ hoàng Victoria, đã dựng lên một cây Noel tại lâu đài Windsor, Anh quốc rồi từ đó tục lệ này được lan truyền đến giới trưởng giả sau đó đến những nhà thường dân. Vào triều đại vích-tô-riên (victorien), một cây sa pin đẹp phải có 6 cành cao và đặt trên một chiếc bàn phủ nắp hoa nổi màu trắng. Người ta trang hoàng những vòng hoa, những hộp kẹo nhỏ xinh sắn và những bông hoa làm bằng giấy.
Cây Noel được đem vào Canada vào cuối thế kỷ thứ 18 trước khi trở thành một tập tục tại Anh quốc. Sau đó cây Noël xuất hiện tại toà Bạch Ốc – Hoa Kỳ. Tuy rằng cây Noel đầu tiên cũng không khác cây Noel ngày nay nhưng chưa trang hoàng ánh sáng. Vào thế kỷ thứ 17 và 18 người ta bắt đầu nhìn thấy những cây sa pin đầu tiên trưng đèn sáng : bắt đầu với sáp ong , những vỏ trái hồ đào chứa dầu trong có một cái bấc nhỏ hoặc những cây đèn cầy thật mềm quấn quanh những chiếc cành cây sa pin . Sau đó kể từ năm 1880 với sự sáng tạo ra điện, cây Noël đã được chiếu sáng với những chiếc bóng đèn lần đầu tiên tại Hoa Kỳ tuy nhiên việc này cũng còn rất hiếm hoi vì sự đắt đỏ của những dàn bóng đèn điện.
Những thành phần dùng vào việc trang hoàng đầu tiên làm ở nhà rồi sau đó được sản xuất kỹ nghệ .

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Danh vị PHỞ SƯ

Bài chuyển từ blog.yahoo.com

DANH VỊ PHỞ SƯ (Kỳ 1)

Lời nói trước: Đây là một câu chuyện bịa đặt hoàn toàn ngẫu hứng, mọi điều nhắc đến đều chỉ là theo trí tưởng tượng của tác giả, nếu có tình tiết nào trùng với người thật và việc thật thì đấy chỉ là hoàn toàn ngẫu nhiên ngoài dụng ý tác giả!

Việt Nam là một đất nước nghìn năm văn hiến, trong thời buổi HỘI NHẬP TOÀN CẦU này tiếng thơm của nhiều địa danh, nhiều sản vật địa phương đã bay xa trên toàn thế giới!
Cảnh quan thì có Vịnh Hạ Long, động Phong Nha Kẻ Bàng… đỉnh đỉnh hàng đầu thế giới; sản vật thì có cà phê Buôn Mê Thuật, yến sào Phú Khánh… nổi tiếng khắp nơi, gốm sứ Bát Tràng, lụa hàng Hà Đông… ngày càng được vinh danh hết Festival nọ đến Hội chợ kia…Rồi thì những "kỷ lục Ghi-nét quái thai" như cốc cà phê hàng mét khối, tà áo dài hàng trăm mét, bánh chưng bánh dầy độn xốp, v..v.. cũng góp phần đưa danh và...tiếng (tai tiếng?) của Việt Nam ra khắp toàn cầu.

Phơ..ơ..ở!
Thế nhưng nổi nhất, vang danh nhất không những trên cả nước mà còn cả toàn cầu, ở mọi nơi có cộng đồng người Việt – và kể cả nhiều nơi không có “người Việt thứ thiệt” - cư trú, là chắc chắn có thứ đó: PHỞ!

Thật đấy: ở Paris 13ème, Little Saigon ở Cali , Cabramata ở Sydney... đầy hàng Phở là chuyện hiển nhiên.

Nhưng có lần tôi lang thang đến Greenwich xa tít ngoại ô London cũng thấy món Phở trong menu của một quán ăn có tên: Saigonese Restaurant. Mừng quá tôi cất giọng gọi: - "Có phở bò tái chín gì không?" – Cô phục vụ - rõ ràng người Châu Á - ngẩn người đáp lại tôi bằng một nụ cười thường trực. Sau đấy Ông chủ quán tươi cười bước ra giải thích bằng một thứ tiếng Anh Chinglish rằng - "Ngộ mậu xếch coỏng Duỵt- Nồm- và" (Tôi không viết nói tiếng Việt Nam)- thì ra họ là Hoa Kiều Chợ Lớn sang đây đã lâu, không ai biết tiếng Việt đâu, thấy món Phở không đụng hàng với ai nên trương biển hiệu mà thu hút du khách vậy thôi!

Xa xôi heo hút hơn nữa, còn nhớ năm nào trên sườn đồi cheo leo của thủ đô Antananarivo cổ kính của xứ Madagascar cũng thấy có cái quán: Restaurant Tonkinois - Spécialité: PHO - Soupe Hanoiyenne. Mừng quá, bước vào những mong nghe tiếng nói quê hương nhưng từ chủ quán đến nhân viên đều chỉ nói tiếng Pháp và tiếng Malagasi: Chủ quán là con của một trong những Cụ “pháo thủ khố đỏ Bắc kỳ” - Tirailleurs tonkinois – kẹt lại ở hòn đảo đẹp đẽ ấy từ năm 1944 -45, hồi cuối thế chiến thứ hai.

What the Phở?
Đến Việt Nam, nhất định là phải nói đến phở: Hà Nội có Phở gia truyền Nam Định, Sài gòn thì lại có Phở Hà Nội gốc, đến có cái anh ngoại lai ở đẩu ở đâu về cũng franchising cái mác : Phở 24!
Hàng phở ở Việt Nam nhiều đến nỗi năm xưa có lần một Bà bạn người Úc Melbourne chính cống sang đây làm việc mấy tuần, cùng tôi rong ruổi trên các quốc lộ về địa phương nhiều lần, bỗng một hôm Bà ta nói với tôi: "Này Ông, tôi không học cũng biết được một từ Việt Nam rất quan trọng và cần thiết cho du khách ngoại quốc đến Việt Nam đấy" - "Từ gì vậy???" - "Thì là từ COM PHO đó! Tiếng Việt Nam COM PHO nghĩa là restaurant, đúng không?" Té ra là Bà ta ngồi trên ô tô đi dọc các quốc lộ thấy rất nhiều biển đề COM PHO và mỗi lần chúng tôi ghé vào ăn uống dọc đường đều vào các quán có biển đó: Vậy đích thị COM PHO là quán ăn - restaurant - còn gì!

Phở thật là quan trọng, đúng là biểu tượng Việt Nam ! Có thể nói trên thế giới người ta biết đến Phở rất nhiều chứ mấy ai biết đến Truyện Kiều! (Mà ông bạn xấu tính vĩ đại của chúng ta lại còn cho Truyện Kiều là “hàng đạo” của họ, nhất thiết không công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa UNESCO, chứ còn như Phở… thì họ đành cúi đầu công nhận, chưa thấy có chuyện đăng ký bảo vệ thương hiệu Phở Koỏng-tống hay là Phở Hốc-kín gì cả

Nhân tài là nguyên khí quốc gia” – lời người xưa nói cấm sai! Phở đã có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế như vậy, tại sao lại không “vinh danh” những “nhà hàng phở tài ba” cho nó xứng đáng?

Chắc là nhận thức được tầm quan trọng đó cho nên mới đây Nhà nước ta chủ trương định ra một chức danh cao quý cho ngành phở: Chức danh PHỞ SƯ PHÓ PHỞ SƯ.

Năm 2020 nhân dịp Lễ hội 1010 năm Thăng Long, tổ chức Hội đồng cấp quốc gia phong tặng danh hiệu đợt 1. Vì đấy là một danh hiệu cao quý, người được phong phải đạt được nhiều tiêu chí rất cao nên trong đợt một chỉ phong được có mấy Phở sư như các Phở sư Tư Lùn, Phở sư Thìn Bờ Hồ, Phở sư Bát Đàn… mấy vị gia truyền Nam Định, phở Pasteur Sài gòn, Nam Ngư, Tạm Thương …chỉ đạt tiêu chuẩn Phó Phở sư cũng đã là một niềm vinh dự to lớn. Tất nhiên là từ đó về sau các PS và PPS đều ngay lập tức in danh thiếp:
Phó Phở sư Trần thị Y, Chủ quán Phở gia truyền
Phở sư Nguyễn Văn X, bếp trưởng Nhà hàng ABC…

Chủ trương đúng đắn của Nhà nước được mọi người dân nhiệt liệt hoan nghênh: Người được phong thì hãnh diện, tự hào, ra sức làm việc phục vụ khách hàng sao cho khỏi phụ kỳ vọng của Nhà nước và nhân dân, người chưa được phong thì phấn đấu học hỏi nghiên cứu chế biến nâng cao ngành Phở mong đến đợt sau được xét. Người dân – khách hàng – cũng rất tin tưởng và quý trọng các vị Phở sư, Phó phở sư; quán nào có một vị PS hay PPS chủ trì thì ngày đêm khách đông nườm nượp đuổi đi không hết. (Cho nên Hà Nội mới có tiếng là có những hàng PHỞ QUÁT, PHỞ ĐUỔI vậy).

Xem tiếp Kỳ 2

Danh vị Phở sư - Kỳ II

Nov 20, 2012 11:58

DANH VỊ PHỞ SƯ (Kỳ II)

Thời gian thấm thoắt như bóng câu qua cửa sổ…mới đó mà đã được 3 kỳ phong danh hiệu Phở sư, Phó Phở sư kể từ lần phong đầu tiên hồi kỷ niệm 1010 năm Thăng Long. Trong xã hội bắt đầu quen với một thứ tiếp đầu ngữ - préfixe - nghe có vẻ cao quý trang trọng nhưng lại thân thương đáng mến và đáng tin cậy hơn nhiều lần so với những từ đi trước tên họ xưa nay thường gặp trong xã hội như : Đòng chí Chủ tịch X, đồng chí Bí thư Y, đồng chí Cục trưởng Z, đồng chí Giám đốc T v..v..
- Xin trân trọng giới thiệu Phở sư, Tổng giám đốc U,,, vỗ tay rào rào,… những ánh mắt thán phục…
Phở Thìn

Mười năm qua, một số Phở sư có kinh nghiệm và có trình độ quản lý chuyển sang làm phụ trách những Cửa hàng Phở, những Tổng quán phở lớn nổi tiếng, đã chứng tỏ việc quản lý Hàng phở của những người có trình độ và năng lực trong chuyên môn phở khác hẳn với một số “nhà” quản lý trước đây chỉ nặng về hô hào “Phấn đấu, Tiến lên!” mà có biết gì về nghề nấu phở!

Và khi đó bắt đầu xuất hiện một số danh thiếp:
Giám đốc, Phở sư Lê văn T
Cục trưởng, Phó Phở sư Hồ thị Z

Các vị lãnh đạo mà danh thiếp có thêm chút PS, PPS thì được cấp dưới, kể cả các ông, bà, anh chị có mác PS, PPS tôn trọng hơn nhiều, không dám xấc xược coi mình là kẻ chức to quyền lớn nhưng trình độ hơi lùn … cấp ngang và cấp trên cũng có bề nể nang.

Cái danh hiệu PS, PPS tưởng chỉ là một sự ghi nhận, đánh giá trình độ về một ngành nghề trong xã hội mà thôi, nay trở thành một loại hàng quý hiếm, một thứ trang sức khó kiếm!
Theo dòng thời gian, càng ngày cái danh hiệu tưởng như chỉ có tính chất tinh thần đó lại thể hiện thêm những giá trị vật chất cực kỳ quan trọng.
Thứ nhất: Phàm bất cứ ngành nghề gì – tất nhiên có vài ngoại lệ trên chốn cao, cao lắm – thì cũng đến tuổi về hưu. Với anh nhân viên quèn thì nam 60 tuổi nữ 55 được về hưu là chuyện may mắn vì thực ra lúc đó còn sức khỏe, quỹ thời gian còn kha khá nên có thể tạo dựng một “sự nghiệp” cuối đời nào đó. Anh/chị tháo vát, có đồng vốn còm, có tí quan hệ thì mở kinh doanh nhỏ, thu nhập có khi còn hơn thuở đi làm 3 cọc 3 đồng. Mấy ông/bà nhà giáo mát tay thì lúc về hưu mới là lúc phát huy công sức cực đại, trong thời buổi nhà trường là thị trường này thực là chối đi không hết việc! Ông/bà nào kinh tế rủng rỉnh, con cái thành thân rồi, ung dung không âu lo kinh tế thì ở tuổi đó vẫn còn sức khỏe mà tham gia kính thưa các kiếu câu lạc bộ bù khú: đánh cờ, chơi cảnh, câu cá v..v..

Phở Bát Đàn

Thế nhưng với các vị có chức có quyền (hệ quả là có lộc, có tiền) thì về hưu sớm là một tai họa quá lớn, nấn ná được ngày nào là hưởng thêm, kiếm thêm ngày ấy. Vì vậy rất rất nhiều vị đến lúc sắp về hưu thì mới thấy có vấn đề lý lịch cần xác minh tuổi tác tụt đi tụt lại đâm ra nhiều trường hợp trong lý lịch Ông anh bà chị lại sinh sau em út đến dăm ba năm là chuyện thường!
Vậy mà Nhà nước lại có chủ trương rõ ràng là những người có danh vị PS, PPS thì đương nhiên được – hay bị - kéo dài tuổi cống hiến dăm ba năm: chuyện này với các vị có chức có quyền quả là quá hay ho.

Thứ hai: Trong thời buổi xã hội hóa ăn uống này, các nhà hàng, quán phở tư nhân mọc ra như nấm (nghe đâu dưới 4 năm chấp chính của một ngài Tổng trưởng Bộ Ăn uống, chỉ trong 3 năm mà số cửa hàng Cao đẳng Phở và Đại hiệu Phở dân lập và tư thục trong cả nước tăng gấp 10 lần hàng mấy chục năm trước đó).

Mở hàng ăn tất nhiên phải có vốn, có quan hệ: cái này các quan không thiếu. Thế nhưng phải có một cái Hội đồng sáng lập rồi Hội đồng Ăn uống học v..v.. cái này nhất thiết phải tìm được một số người có danh hiệu cao như Phở sư, Phó Phở sư đưa vào thì mới có trọng lượng!

Danh vị PS, PPS có giá trị "qui ra thóc" là như vậy đó!
Đón xem kỳ 3 - Phần kết

Danh vị Phở sư - Kỳ III
Nov 20, 2012 10:05
DANH VỊ PHỞ SƯ (Kỳ III)

Vậy là danh hiệu PS, PPS đã thực sự thể hiện giá trị vật chất cụ thể trong xã hội (nghĩa là qui được ra hào). Nhu cầu “kiếm được” cái mác PS, PPS ngày càng tăng.

Theo nguyên lý của kinh tế thị trường, phàm có cầu thì ắt có cung, danh hiệu PS, PPS đã trở thành một mặt hàng có giá thì tất nhiên có nhu cầu rộng rãi, và đã có nhu cầu thì ắt có những người, những tổ chức, những tập đoàn, bí mật hoặc bán công khai, đẩy mạnh nghiên cứu tạo ra những phương án nhanh chóng rút ngắn qui trình sản xuất những mặt hàng đó.

Theo qui định Nhà nước, muốn đạt danh hiệu PS, PPS có những tiêu chí “cứng” và những tiêu chí “mềm”.
Một Phở sư chân chính hiếm hoi...

Tiêu chí mềm là việc bỏ phiếu, đồng thuận ở các cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở, cấp ngành và cấp Nhà nước. “Không có việc gì khó!” Người Tầu xưa có câu tục ngữ: Nhiều tiền thì có thể sai quỷ kéo cối xay! Các tổ chức, tập đoàn không những có tiền lại có siêu quyền lực thì không phải chỉ có quỷ mà đến thần thánh phật tiên cũng sai khiến được huống chi là các Hội đồng. Ủy viên Hội đồng thì cũng là con người mà đã là người thì ai cũng có thất tình lục dục, mà dù cho có vài gã ủy viên “dở hơi” nào đó đi ngược lại với cơ chế thị trường – nghĩa là cơ chế mua bán trao đổi – thì các gã ấy cũng có vợ con, anh chị em v..v.. vưỡn là con người thực tế như bao người khác. Cuối cùng, nếu không thể điều khiển được họ thì … quá đơn giản: vô hiệu hóa bằng cách…đưa họ ra khỏi danh sách ủy viên Hội đồng, bằng cách điều động họ sang một vị trí long trọng ngồi chơi xơi nước… Hoặc cũng có thể dễ dàng chuyển các ứng viên đương sự sang những Hội đồng “thích hợp” mới thành lập khác! Trong những năm gần đây có nhiều vụ việc các quan nào đó phải chọn “gửi” vào những Hội đồng thích hợp để bỏ phiếu xét duyệt, chọn được Hội đồng toàn “chiến hữu” thì mọi việc đều là chuyện muỗi. Lại có chuyện, có quan không thấy được cửa nào trơn tru, nhân lúc mới về một nhà hàng mới nào đó liền ra sức lobby để Nhà hàng của mình được quyền thành lập Hội đồng cấp cơ sở và thế là tất nhiên thành phần Hội đồng đó toàn do mình mời trình lên cấp trên duyệt: cửa ấy mà còn lo gì chui không lọt?
San sát các Đại hiệu Phở dân lập thời mở cửa...

Bây giờ mới nói đến các tiêu chí cứng. Không hiểu đứa phải gió nào, nghĩ thế nào mà lại đưa là những tiêu chí thật là khó chịu như thế?
Tiêu chí đầu tiên là trình độ ngoại ngữ. Nhận thức rằng Ăn uống học cần được phát huy giao lưu quốc tế nên nhất thiết PS, PPS phải có vài ba ngoại ngữ đạt trình độ B (hạng B là cao hơn hạng A chứ không phải viết tắt chữ hạng BÉT đâu) hoặc trình độ C (cấm nghĩ tục C…!). Đến nỗi năm nảo năm nào đó báo chí đăng là có “nhà ăn uống học” vào diện ứng viên xét PS, PPS đã văng ra: “Mẹ kiếp! Xét danh hiệu PS, PPS mà bắt phải Ai- eo với lại Top- pheo thì bằng đánh đố con nhà người ta. Mà hãy chống mắt lên mà xem: bên Mỹ, bên Tây nó phong Xúp-sư có yêu cầu biết tiếng Việt tiếng Tầu đâu?”. Nhưng tiêu chí này rồi cũng nhanh chóng được giải quyết êm đẹp: Có cái “trình độ” ngoại ngữ thì quá khó chứ có cái “Chứng chỉ ngoại ngữ B, C, D, …Z” của Bộ Học cấp thì chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ! (Chính vì thế mà về sau có những vị PS, PPS khi giao tiếp với khách hàng quốc tế thường bị sái cổ sái tay vì phải sử dụng ngôn ngữ hình thể quá nhiều!)

Tiêu chí thứ hai là: Muốn dự xét danh hiệu PS, PPS phải có số giờ nấu bếp phở thực tế là 120 tiết, 240 tiết gì đấy. Cái này đối với dân hàng phở chính cống thì là chuyên buồn cười, vô nghĩa, nhưng đối với một vị Giám đốc Công ty ăn uống, Cục trưởng, Tổng trưởng…thì lại là chuyện khá khó! Nhưng cái khó ló cái khôn: Mấy năm gần đây người ta thấy rất nhiều quan Giám, quan Cục, quan Tổng thường về thăm các hàng phở, tập hợp nhân viên nói vài câu, xuống bếp dòm nom nồi nước phở một lúc và trước khi ra về có thư ký đến đưa cho Chủ cửa hàng một Giấy chứng nhận đã “trực tiếp tham gia nấu phở 5 tiết, 10 tiết …”: Bố chủ cửa hàng nào lại dám không ký? Mà có ký thì cũng mất gì của Bọ? Vậy là tiêu chí này cũng nhanh gọn được giải quyết!

Tiêu chí thứ ba thì có phức tạp hơn: đấy là xét “công trình nghiên cứu về Phở học”. Để giải quyết tiêu chí này phải có thời gian đầu tư lâu dài, không phải chỉ một sớm một chiều. Băng mọi con đường thông thường mà ai cũng biết, với cương vị của các Quan hoặc với tài sản kếch sù của đại gia thì chỉ cần chạy đến Ông/Bà nào có chức có quyền, đề xuất một số đề tài cấp Nhà nước, cấp Tổng… rồi ghi tên ứng viên là Chủ trì, kéo những tay hàng phở chính cống thực hiện đề tài ghi vào danh sách tham gia: thế là có đề tài, có bài đăng "Tạp chí Phở học", có cái để tính điểm. Các Đại hiệu Phở, các Phở viện cấp tập cho ra lò những Hiền sĩ Phở học với hàng loạt đề tài nghiên cứu sâu sắc đại loại như:

- Giải pháp hâm phở cho bếp tập thể
- Nghiên cứu về tác dụng của nước hầm xương đối với Sự phát triển xã hội ở Thế kỷ 22
- Nghiên cứu về phooc-môn trong bánh phở v..v..
Thời gian cứ thế trôi qua, sự nghiệp Phở ngày càng phát đạt, đến quãng năm 2030 thì theo thống kê, số PS, PPS trong cả nước đã lên đến trên 9000 vị, xem ra số PPS, PS của Đại Việt ta đứng đầu A-xi-an, cao hơn hẳn số người có chức vụ tương đương như : "Cà-ri-sư, Tôm-yum-sư, Xúp sư" ở Thái Lan, Phi-lip-pin, In-đô- nê-xi-a nhiều! Các nước bé con con như Singapo, Malai, Bru-nây không thèm so sánh, còn lại Lào, Căm-pu-chia, Miến Điện thì quên đi!

Thật là quang cảnh: Ra ngõ gặp PS, bật Ti vi thấy PS.

Những danh thiếp ngày càng dài thêm:
Phở sư, Hiền sĩ phở học, Hàng phở nhân dân – Tổng giám đốc Lê Văn X
Phó Phở sư, Hiền sĩ phở học, Hàng phở ưu tú, Cục trưởng Bùi thị Y

Mà rồi trong các lực lượng vũ trang cũng có ăn uống, cũng có nấu phở chứ!…Lại xuất hiện những danh thiếp dài hơn nữa:
Phó Phở sư, Hiền sĩ phở học, Hàng phở ưu tú,
Thiếu tướng Cục trưởng Trần Văn Z…

Gần đây, có người tẩn mẩn, thống kê số PS, PPS hiện đang làm việc ở MỌI hàng phở trong cả nước (kể cả những PS, PPS là Cửa hàng trưởng, Bí thư Cửa hàng chứ không nấu phở - và có thể cũng không biết nấu phở -) thì chỉ có hơn 2000.

Quái lạ! Số còn lại gần 75% chẳng hay còn nấu phở NƠI NEO? Hay là chảy máu chất...béo sang Mỹ sang Tây cả rồi?

Vì vậy mới có mục Rao vặt:
Tìm PS, PPS lạc! Hết

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Ấm tình bạn, tình trò...

Tổng kết cuộc đời

Đây là một cơ hội nhìn lại một cách toàn bộ quãng đường dài mình đã đi qua với sự tham gia, chứng kiến của nhân chứng của nhiều thế hệ
Xúc động
Dưới mái nhà xưa Đại học Bách khoa ấm cúng
Những người bạn cũ ĐH Bách khoa hơn 30 năm trước
Khóa Hùng vương 1952, hơn 60 năm rồi!!!
TS Lê Văn Thanh, Viện ĐH Mở Hà Nội - (Cháu ngoại Leo nhảy Gangnam Style)
TS Trương Tiến Tùng, người học trò thân thiết - (Và vẫn là Leo)
Những "đệ tử ruột" trong chặng đường 20 năm
Đại tá, PGS-TS Đặng Đức Kim, Người tiếp bước tại Đại học Kỹ thuật quân sự
GS-TS Nguyễn Thanh Thủy, Đại học Công nghệ, ĐH quốc gia Hà Nội, người học trò thân yêu với nhiều nhiều kỷ niệm
Lớp sinh viên trẻ...

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Bước vào tuổi 80...

Bao năm đưa những chuyến đò

Chở bao nhiêu lứa học trò qua sông

Người đi có nhớ đò không?

Đò thì năm tháng vẫn trông tin người



BÁT TUẦN TỰ VỊNH

Phỏng ý bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung

Người xưa THẤT THẬP CỔ LAI HI!

Mình nay BÁT THẬP đã là chi!

Quốc học chưa hưng đầu đã bạc

Bao đêm gõ phím vẫn còn SI!

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Mùa thu lá bay

MÙA THU LÁ BAY

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Kẹo Cu Đơ


Kẹo Cu Đơ - đặc sản Hà Tĩnh



Nếu ở Quảng Ngãi có “kẹo Gương”, ở Huế có "mè xửng", ở Thanh Hóa có “chè Lam”, “bánh Gai”, thì ở Hà Tĩnh, Nghệ An có “kẹo Cu Đơ”. Những thứ kẹo bánh dân dã này đều có nét đặc trưng của vùng gió Lào cát trắng, gian khổ.

Kẹo Cu Đơ nhiều nơi bán nhưng ngon nhất là kẹo được chế biến từ vùng núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) - quê “tổ” của loại kẹo này. Từ hồi đầu kháng chiến chống Pháp - khoảng năm 1949-1950 đến nay - tên gọi Cu Đơ đã thành thương hiệu kẹo được đón nhận một cách vui vẻ, nghe ngồ ngộ nhưng ấn tượng khó quên.


Bàn về nguồn gốc tên gọi KẸO CU ĐƠ



Kẹo Cu Đơ có thể được nấu bằng đường, mật mía hoặc mật mía và mạch nha... Loại nấu bằng mật mía có pha mạch nha là ngon hơn cả. Đậu phộng chọn loại chắc, phải rang cả củ cho giòn rồi bóc tách ra, bột gạo ngon tráng bánh đa vừa phải (không dày cũng không mỏng) có rắc thêm vừng (mè) đen để bao kẹo. Nguyên liệu quan trọng nhất là mật mía nguyên chất, không pha đường. Khi nấu pha thêm một tỷ lệ mạch nha (loại làm từ mầm thóc) vừa phải thì kẹo vừa giòn vừa dẻo lại vừa thơm, không bị bở như loại kẹo nấu bằng đường.

Trước đây người Nghệ Tĩnh nấu kẹo lạc kiểu dân dã đổ lên lá chuối khô thành từng miếng, khi ăn thì bóc theo từng thớ lá. Về sau người ta thay lá chuối bằng giấy bản cho có vẻ "văn minh" hơn. Tuy vậy kẹo lạc lá chuối hay kẹo lạc giấy bản đều có nhược điểm là khi cầm ra tay để ăn thường bị dính, khó chịu.


Thế nhưng tại sao lại có cái tên gọi "Kẹo Cu ĐƠ" có vẻ lai căng làm vậy? Có rất nhiều giả thuyết, nhiều chuyện bàn cãi xung quanh cái tên Cu Đơ đó nhưng vẫn chưa thấy thuyết nào gọi là có ưu thế

Là một người may mắn ở trong cuộc từ ngày cái loại kẹo lạc kẹp giữa hai miếng bánh tráng (bánh đa) được mang cái tên Kẹo Cu Đơ, tôi xin thuật lại một "cố sự" trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng Nghệ - Tĩnh,Liên Khu IV hầu chư vị...

Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân, Văn võ song toàn. Cha đẻ của Trường Thiếu sinh quân Việt Nam .


Hồi kháng chiến chống Pháp, Tướng Nguyễn Sơn, tư lệnh khu IV quyết định thành lập Trường Thiếu sinh quân Liên Khu IV đặt tại Hương Sơn, Hà Tĩnh để chăm sóc cho con em cán bộ chiến sĩ đang chiến đấu tại chiến trường xa, gia đình khó khăn. Miền núi Hương Sơn đón một lớp thiếu niên năng động, nghịch ngợm, hồn nhiên, làm thay đổi cả bộ mặt vùng quê yên ả.

Gần trường có gia đình anh Cu Hai, nhà có nghề làm kẹo lạc lâu đời. ( Anh ta là con thứ hai lại có con trai đầu lòng, theo cách gọi địa phương : người có con trai đầu lòng được gọi là anh Cu, chị Cu, người sinh con gái đầu lòng dược gọi là anh Đĩ, chị Đĩ - không hề có nghĩa xấu - về sau mãi tận cuối thế kỷ 20 nhiều nơi vùng quê Nghệ Tĩnh vẫn còn giữ nguyên cách gọi đó)

Kẹo lạc là sự phối hợp hài hòa giữa mật mía, lạc (đậu phộng), nước gừng, chanh... toàn những thứ dễ kiếm. Nhưng kẹo ngon hay không còn phụ thuộc vào nhiều bí quyết riêng. Một miếng kẹo lạc ngon khi ăn phải giòn nhưng dẻo, hội đủ vị ngọt mát của mật mía- mạch nha, vị béo bùi của đậu phộng, vừng, có vị cay ấm của gừng pha một chút chua nhẹ của chanh...

Kẹo lạc nhà anh Cu Hai có bí quyết gia truyền đạt được hương vị tuyệt vời đó. Nhưng anh Cu Hai còn có một sáng tạo độc đáo, từ đó cái "thương hiệu Kẹo Cu Đơ" ra đời.

Thay vì lót kẹo bằng lá chuối hay giấy bản, anh Cu Hai đã dùng bánh đa ( bánh tráng) mỏng, đổ kẹo lạc lên rồi hai miếng làm một, phía kẹo úp vào nhau: người cầm kẹo không bị dính tay và có thể ăn cả bánh đa. Vị bùi thơm của bánh đa càng làm tăng hương vị kẹo. Từ đó để chỉ loại kẹo lạc lót bánh đa, phân biệt với kẹo lạc lá chuối hay kẹo lạc giấy bản, người ta gọi là kẹo lạc nhà Cu Hai.

Khách hàng hâm mộ nhất của quán nhà anh Cu Hai là đám học trò nghèo "tập sự làm lính" của Trường Thiếu sinh quân. Vì kỷ luật "quân sự" của nhà trường rất nghiêm nên học sinh khi rủ nhau trốn ra quán Cu Hai ăn quà thường nói "tiếng lóng" là : CU DEUX = tiếng Pháp Deux là Hai.

Nên nhớ rằng hồi đó trong chương trình Trung học có môn ngoại ngữ Tiếng Pháp, đặc biệt ở Trường Thiếu sinh quân các chú "lính tập sự" được học Tiếng Pháp với một người Thầy rất giỏi thứ ngôn ngữ này - chuyện này cũng đáng nhắc lại - người Thầy đó vốn dĩ thuộc tầng lớp "đối tượng có tội với chế độ" - Thầy Nguyễn Tiến Lãng - nhưng không hiểu bằng cách nào Tướng Nguyễn Sơn đã thuyết phục và đưa được Thầy về trường và đã giảng dạy rất tốt cho học sinh!

Tên gọi kẹo Cu Deux - Kẹo Cu Đơ theo chân những người lính tỏa khắp khu IV, vào phân khu Bình Trị Thiên, ra Khu III, lên Việt Bắc ...tạo thành một thương hiệu nổi tiếng tòan quốc - Kẹo Cu Đơ.
.

Và ngày nay khi giao lưu quốc tế hội nhập toàn cầu, cái thương hiệu Cu Đơ còn lan rộng khắp đất Mỹ trời Âu...nghĩa là khắp mọi nơi có dấu chân người Việt!
Người ta ăn kẹo Cu Đơ thường uống kèm nước chè xanh (Chè xanh xứ Nghệ - loại nấu bằng lá chè tươi) vào những ngày se lạnh thì tuyệt vô cùng. Vị béo, ngọt, cay cứ dìu dịu tỏa lan nơi đầu lưỡi truyền hơi ấm vào cơ thể ta, tạo cảm giác ấm áp khó quên.
Khách qua Hà Tĩnh- Nghệ An nơi “đồng chua nước mặn” nhưng ai cũng thương, cũng nhớ, ai cũng mua vài bọc kẹo Cu Đơ về làm quà cho người thân, bè bạn, vừa ngon lại vừa rẻ.

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Hoài niệm...những đêm trên "Đỉnh gió hú" MANGARIVOHITRA FARAVOHITRA

Hát lên! DALIDA! Hát cho đến ngày về với cỏ cây...